Với tư cách là bên tìm kiếm đối tác cho thuê lao động thì các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu thuê lại lao động cần phải lưu ý các vấn đề cụ thể: Tư cách pháp lý của bên thuê lại lao động, công việc được phép thuê lại lao động mà pháp luật có quy định…
Những điều cần lưu ý khi ký kết hợp đồng thuê lại lao động
Để biết cụ thể nhưng lưu ý đấy như nào, bạn đọc có thể tham khảo các thông tin mà Nghề Luật Trợ giúp pháp lý dưới đây:
Xem xét tư cách pháp lý của bên đối tác
Trước khi quyết định kí kết hợp đồng thuê lại lao động với một công ty cho thuê lại lao động thì cần phải xem xét tư cách pháp lý của bên cho thuê lao động. Cụ thể:
Xem xét bên cho thuê lao động có giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực này hay không. Nếu có, giấy phép đó còn thời hạn hay không. Trường hợp gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động thì thời hạn không được quá 24 tháng; số lần gia hạn không quá 02 lần.
Xem xét bên cho thuê lại lao động không được nằm trong các trường hợp quy định tại Điều 24 Nghị định số 55/2013/NĐ-CP về các trường hợp không được cho thuê lại lao động:
- Doanh nghiệp đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công.
- Doanh nghiệp cho thuê không thỏa thuận cụ thể với bên thuê lại lao động về trách nhiệm bồi thường bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động của người lao động thuê lại.
- Cho thuê lao động để làm các công việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt; Hoặc công việc cho thuê lại lao động nằm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế.
Việc xem xét các vấn đề trên sẽ giúp công ty đảm bảo quyền và lợi ích của mình, tránh được các thiệt hại do hợp đồng ký kết rơi vào trường hợp hợp đồng vô hiệu gây ra.
Công việc được phép thuê lại lao động
Luật còn quy định: Thuê lại lao động chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định. Danh mục các công việc được liệt kê chi tiết tại Điều 25 Nghị định 55/2013/NĐ-CP. Cụ thể:
- Phiên dịch/ Biên dịch/ Tốc ký
- Lễ tân
- Thư ký/Trợ lý hành chính
- Hướng dẫn du lịch
- Hỗ trợ dự án
- Hỗ trợ bán hàng
- Lập trình hệ thống máy sản xuất
- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng hoặc hệ thống điện sản xuất
- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông
- Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy
- Vệ sĩ/Bảo vệ
- Biên tập tài liệu
- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại
- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô
- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế
- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất
- Lái xe
Xét thấy các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động liệt kê ở trên rất hạn chế và thường là những công việc không yêu cầu trình độ cao. Nhưng dù vậy, trong dự án có nhu cầu thuê lại lao động thì doanh nghiệp thuê lại cũng chỉ được thuê lao động để thực hiện những công việc có tên trong danh sách nêu trên.
Còn đối với các công việc khác không có trong danh sách trên như: Bốc xếp thủ công; Công nhân xây dựng cầu đường bộ; Sản xuất bê tông;… thì doanh nghiệp thuê lại lao động vẫn phải chủ động tuyển người lao động như quy định của Luật lao động 2012.
Các vấn đề liên quan đến hợp đồng thuê lại lao động
Ký kết hợp đồng thuê lại lao động
Điều quan trọng nhất trong quan hệ thuê lại lao động là việc xác lập giao dịch (ký kết hợp đồng). Điều cần lưu ý trong việc ký kết:
- Hợp đồng phải được ký kết thành 2 bản, mỗi bên giữ một bản.
- Nội dung hợp đồng cần phải đảm bảo các điều khoản theo quy định Điều 55 Luật lao động 2012, gồm:
- Vị trí việc làm, nơi làm việc, cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
- Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động;
- Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.
Bên cạnh đó, hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền lợi của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động của doanh nghiệp cho thuê lại ký với người lao động.
- Về thời hạn hợp đồng cho thuê lại lao động, doanh nghiệp thuê lại lao động phải hết sức lưu ý dự tính thời gian thấu sao cho không dài quá 12 tháng. Và khi hết thời hạn này, doanh nghiệp cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại người lao động với bên thuê lại mà người lao động thuê lại vừa hết thời hạn.
- Trong quá trình kí kết và đàm phán hợp đồng, công ty X còn cần xem xét ai là người có thẩm quyền giao dịch, là người đại diện hợp pháp hoặc ủy quyền hợp pháp để tránh tình trạng hợp đồng vô hiệu, khi đó tiền mất, tật mang.
Trên đây là những điều cơ bản cần lưu ý khi tham gia ký kết hợp đồng lao động mà Nghề luật cung cấp. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích phần nào cho những người chuẩn bị tham gia vào quan hệ cho thuê lại lao động tránh được những thiệt hại không đáng có do hợp đồng thuê lại lao động bị vô hiệu.
Nguồn: Ngheluat.edu.vn