Những vụ việc tranh chấp liên quan đến bảo hiểm nhân thọ rất phổ biến, nếu đưa ra tòa quá trình xét xử thường kéo dài do các bên có ý kiến khác nhau. Điều này có thể được khắc phục khi có án lệ.
- Tin “HOT” trong vụ Phó chỉ tịch HĐND phường bị bắn chết tại nơi làm việc
- Vụ Grab mua lại Uber: Vi phạm Luật, Việt Nam có thể mở phiên điều trần
- Bộ Công an đề xuất cấp hộ chiếu tạm thời thay giấy thông hành
Có án lệ, tranh chấp bảo hiểm nhân thọ bớt căng
Đơn cử như năm 2015, một vụ việc tranh chấp xảy ra tại TP.HCM, nhưng cơ quan pháp luật không có quan điểm thống nhất.
Cụ thể, vào năm 2011, khách hàng là ông Trịnh Văn Côn mua 2 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có kỳ hạn tại Công ty Bảo hiểm A với mệnh giá 500 triệu đồng (hợp đồng thứ nhất là 200 triệu đồng, hợp đồng thứ 2 là 300 triệu đồng) và đóng phí đầy đủ.
Ông Côn đăng ký cho vợ ông là bà Trịnh Thúy Hằng là người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm. Một năm sau đó, ông Côn chết. Bà Hằng yêu cầu công ty chi trả quyền lợi bảo hiểm cho bà cả 2 hợp đồng trên.
Công ty này đã từ chối với lý do ông Côn khai không trung thực trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Cụ thể, trong hồ sơ, phía Công ty hỏi người mua bảo hiểm “Bạn đã bao giờ… bị nuốt khó, nuốt nghẹn hoặc khó phát âm không? Có bị đổi giọng không?”, ông Côn đã đánh dấu X vào ô “Không”.
Bệnh án của Bệnh viện Đa khoa Bưu điện thì xác định ông Côn có nhập viện điều trị bệnh viêm dạ dày vào thời điểm ký hợp đồng thứ 2.
Công ty đã căn cứ vào Điều 19, Điều 22, Luật Kinh doanh bảo hiểm; Điều 573, Bộ luật Dân sự năm 2005 từ chối không chi trả bảo hiểm cho bà Hằng cả 2 hợp đồng bảo hiểm trên.
Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu buộc công ty bảo hiểm phải trả quyền lợi bảo hiểm cho bà Hằng số tiền phát sinh từ hợp đồng đầu tiên là 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, bản án trên bị Viện Kiểm sát nhân dân kháng nghị theo hướng không buộc công ty bảo hiểm trả số tiền 200 triệu đồng. Sau đó, cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, những tình huống tranh chấp trên không hiếm. Nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía, là người mua bảo hiểm và bên bán bảo hiểm.
Phía khách hàng có thể tìm cách giấu bệnh để được hưởng bảo hiểm hoặc không hiểu, không hết những câu hỏi khi làm hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, còn tư vấn viên bảo hiểm làm nhanh hồ sơ để hoàn thiện hợp đồng nhằm hưởng hoa hồng nên không xem xét tường tận tình trạng của khách hàng, do đó khi nổ ra tranh chấp dễ phát sinh hiểu lầm.
Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành án lệ số 22 về việc không vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Theo bản án này, ông Đặng Văn L. yêu cầu Công ty bảo hiểm nhân thọ C. phải bồi thường cho hai hợp đồng bảo hiểm do vợ ông là bà Trương Thị H. mua là 470 triệu đồng.
Công ty bảo hiểm không chấp nhận vì cho rằng trước khi giao kết hợp đồng, khách hàng đã có tiền sử đau dạ dày và mỡ máu tăng nhưng không khai báo trung thực. Công ty đề nghị tòa án bác đơn khởi kiện của ông L.
Bản án phúc thẩm nhận định, tại câu hỏi số 54, Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25/3/2009: “Loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, viêm kiết tràng, khó tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật” bà H. đánh dấu vào ô “Không”. Tại biên bản hội chẩn số 42/BV-99 của bệnh viện ngày 3/9/2009, bà H. khai có tiền sử đau dạ dày 2 năm.
Căn cứ vào biên bản trên thì bà H. có bệnh đau dạ dày từ ngày 3/9/2007, là trước thời điểm ký hợp đồng bảo hiểm. Phía công ty cho rằng, cụm từ rối loạn tại dạ dày bao gồm tất cả các bệnh liên quan đến dạ dày, trong đó có bệnh đau dạ dày.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, công ty không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh, không đưa ra được một giải thích khoa học nào xác định đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày.
Theo quy định pháp luật, trong trường hợp các bên có sự giải thích khác nhau, không rõ ràng, khó hiểu thì điều khoản này phải được giải thích theo hướng có lợi cho bà H.
Tòa phúc thẩm thấy rằng, tại đơn yêu cầu bảo hiểm không có câu hỏi về bệnh đau dạ dày. Như vậy, công ty cho rằng bà H bị bệnh đau dạ dày mà không khai báo là cố tình khai báo không trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là không có căn cứ.
Luật sư Vũ Ngọc Chi đánh giá, án lệ trên giúp giải quyết vụ việc tranh chấp tương tự một cách thống nhất. Bên cạnh đó, luật sư cho biết thêm, trong thời gian gần đây, nhằm khắc phục tình trạng trên, các công ty bảo hiểm sẽ chỉ định một số bệnh viện để khách hàng khám sức khỏe.
Trên cơ sở bệnh án do bệnh viện cung cấp, công ty mới ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhằm tránh việc khách hàng có thể gian dối bệnh tình.
Nguồn: ngheluat.edu.vn