Theo Nghề Luật, ngày 09.05, Bộ GD&ĐT cho biết: Tuyển sinh 2016 sẽ có thay đổi so với dự kiến trước đây bằng cách thực hiện việc xét tuyển theo hình thức tập trung.
Trong khi trước đó, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã ký cho phép nhóm trường GX (gồm 10 trường ĐH khu vực phía bắc) được tự tuyển sinh theo nhóm. Quy định này của Bộ GD&ĐT có vi phạm Luật giáo dục Đại học?
Bộ GD&ĐT gây ra thí sinh ảo?
Theo Bộ GD&ĐT, cách thức xét tuyển mới sẽ thực hiện xét tuyển tập trung để bảo đảm tính công bằng, minh bạch. Trong đó các trường sẽ sử dụng phần mềm chung do Bộ đảm nhiệm. Phương thức xét tuyển của nhóm trường đã được lập ra theo quy định của Quy chế tuyển sinh sẽ không còn.
Tuy nhiên, theo GS Đỗ Văn Xê, ĐH Cần Thơ, việc tuyển sinh là việc của các trường và Luật Giáo dục Đại học đã quy định. Bộ không nên làm thay việc của các trường, do đó, quy định dùng chung phần mềm là không hợp lý.
“Với các trường ĐH tự đảm bảo việc xét tuyển như các nhóm trường thì Bộ không nên can thiệp. Việc tạo ra thí sinh ảo là do Bộ cho phép thí sinh một lúc xét tuyển quá nhiều nguyện vọng”.
GS Đỗ Văn Xê
“Bộ nắm dữ liệu nên việc tuyển sinh của các trường phụ thuộc việc Bộ có cho các trường tiếp cận dữ liệu không? Theo luật, Bộ phải công bố dữ liệu tuyển sinh cho các trường, không có quyền nắm thông tin. Tôi nghĩ bộ nên giữ cách tổ chức như năm 2015, những nhược điểm của năm 2015, năm nay thí sinh và các trường đã có kinh nghiệm hơn, sẽ không lặp lại” – GS Đỗ Văn Xê đề xuất.
Mặt khác, GS Xê cho rằng với các trường ĐH tự đảm bảo việc xét tuyển như các nhóm trường thì Bộ không nên can thiệp. Việc tạo ra thí sinh ảo là do Bộ cho phép thí sinh một lúc xét tuyển quá nhiều nguyện vọng.
“Bây giờ Bộ lại loay hoay tìm cách để khắc phục thí sinh ảo. Đây không phải là giải pháp triệt để. Tôi cũng lo ngại về hạ tầng công nghệ thông tin, năm ngoái đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng khi công bố điểm. Năm nay dùng chung phần mềm xét tuyển thì những nguy cơ trên là khó tránh khỏi” – GS Xê khẳng định.
Trong khi đó, các quy định, quy chế tuyển sinh năm 2016, Bộ GD&ĐT vừa mới ban hành xong. Thậm chí một số trường ĐH thực hiện theo quy chế tuyển sinh đã tốn khá nhiều công sức lập nhóm tuyển sinh (như nhóm GX do Trường ĐH Bách khoa chủ trì) do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ký văn bản xác nhận ngày 31/3 chưa ráo mực thì đã bị hủy. Lãnh đạo một trường trong nhóm GX cho biết, các trường tập trung hết về Bộ GD&ĐT để xét tuyển chung thì quyền tự chủ tuyển sinh của các trường theo quy định của Luật Giáo dục Đại học ở đâu? Để tuyển sinh tập trung, Bộ GD&ĐT cho cả một số doanh nghiệp vào xây dựng phần mềm thì không hiểu tại sao Bộ GD&ĐT lại làm như vậy. Nếu thực hiện đổi mới xét tuyển tập trung sẽ không khác gì so với xét tuyển của năm 2015 vốn gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội và khó khăn cho thí sinh. Thậm chí việc đòi hỏi các trường xét tuyển tập trung sẽ gây nên tình trạng nặng nề hơn với thí sinh và nhà trường.
Thí sinh rối loạn
Theo PGS.TS Lê Hữu Lập (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), Bộ đã ban hành quy chế tuyển sinh thì không nên sửa chữa nhiều, nhất là kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đang đến rất gần. Việc sửa, chữa “cấp tập” này sẽ khiến cho thí sinh rối loạn, các trường không chủ động được công việc. Còn GS Đỗ Văn Xê cũng khẳng định nếu Bộ GD&ĐT đưa cả nước vào một nhóm để xét tuyển là vi phạm quyền lựa chọn của thí sinh. “Bộ cho phép thí sinh được nộp hồ sơ vào hai trường, nếu thí sinh đỗ cả hai trường, Bộ sẽ lấy quyền gì để yêu cầu thí sinh chỉ học trường này mà không được học trường kia. Việc học trường nào là lựa chọn tự do của thí sinh”. Mặt khác, GS Xê đề nghị nếu Bộ đưa ra tuyển sinh chung thì ĐH Cần Thơ sẽ yêu cầu Bộ gửi gói dữ liệu thí sinh nộp hồ sơ vào ĐH Cần Thơ. “Vì tôi không tin chương trình của Bộ. Làm sao tôi có thể giao sinh mạng của trường mình cho Bộ? Nếu Bộ không gửi, tôi sẽ gửi đơn kiện lên Thủ tướng” – GS Đỗ Văn Xê đề nghị.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Giáo dục ĐH cho rằng sử dụng kết quả và cách thức xét tuyển như thế nào là quyền của các trường mới phù hợp với luật còn bắt tất cả theo một cách áp đặt là trái với quy định của Luật giáo dục Đại học.
Giáo dục đào tạo luôn là vấn đề nhạy cảm, nhất là các kỳ thi lớn như kỳ thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, những thay đổi, điều chỉnh đều phải được đưa ra từ đầu năm học để thí sinh và các trường chuẩn bị. Không thể có chuyện quy chế ban hành, thí sinh và các trường đã triển khai công việc, gần đến kỳ thi, kỳ tuyển sinh thì Bộ GD&ĐT lại thay đổi. Điều đó gây hoang mang, lo lắng cho các thí sinh, dư luận xã hội và gây khó khăn cho các trường ĐH.
Nguồn: Baomoi.com