Thời gian qua, một số Sở Tư pháp còn tình trạng chưa thực hiện hết trách nhiệm được pháp luật giao, dẫn đến xác nhận đủ điều kiện cho cả những đối tượng bị kỷ luật, gian dối hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề hoặc bổ nhiệm chức danh bổ trợ tư pháp…
- Điều bất ngờ về yêu râu xanh trong vụ: “Hiếp xong giết”
- Chủ tiệm vàng khiếu nại quyết định xử phạt trong vụ 100 USD
- Thôi việc theo chế độ 176 có được tính thời gian đóng BHXH?
Thực trạng này cũng được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phản ánh theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp với mong muốn tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về hành nghề luật sư.
Hành nghề luật sư: Phải coi trọng đạo đức trên hết
Bị cách chức thẩm phán, kỷ luật 5 lần, vẫn “đạo đức tốt”
Báo cáo chuyên đề về lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp gần đây nhận thấy, số lượng người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong lĩnh vực luật sư thời gian gần đây tăng đột biến. Điều này phản ánh sự phát triển kinh tế – xã hội, kết quả cải cách tư pháp và dân chủ hóa đời sống xã hội. Tuy nhiên, mặt trái là trong đó có nhiều đối tượng bị kỷ luật, bị cho nghỉ việc ở ngành nghề khác hoặc đối tượng cơ hội, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, gian dối hồ sơ để chui vào vỏ bọc các chức danh bổ trợ tư pháp, nhất là lĩnh vực luật sư rồi lợi dụng chức danh, quyền tự do dân chủ để chống đối Nhà nước.
Trong khi đó, Sở Tư pháp một số nơi lại vẫn còn tình trạng thực hiện hết trách nhiệm được pháp luật giao. Cụ thể, Luật Luật sư năm 2012 đã giao cho Sở Tư pháp tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ của người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trước khi gửi lên Bộ. Song tại một số nơi thì không, đồng thời ý thức của một bộ phận người đề nghị cấp phép chưa tốt trong khai hồ sơ.
Do vậy thời gian qua, trong quá trình thẩm tra hồ sơ, Bộ Tư pháp đã phát hiện không ít hồ sơ khi chuyển đến Bộ còn tình trạng như không đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, khai thiếu, thậm chí khai man, che giấu thông tin để qua mắt cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ làm qua loa, thiếu giấy tờ chứng minh theo quy định dẫn đến nhiều trường hợp phải làm lại hoặc bổ sung hồ sơ mất nhiều thời gian. Việc bổ sung hồ sơ được Bộ gửi về Sở để yêu cầu người đề nghị bổ sung nhưng quá trình thông tin của một số Sở cho đương sự còn chậm, đương sự không nắm được tình trạng hồ sơ lại phản ánh lên Bộ.
Bên cạnh đó, việc thẩm tra của một số Sở Tư pháp về quá trình công tác, tiêu chuẩn đạo đức, chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo tiêu chuẩn các chức danh bổ trợ tư pháp còn thực hiện qua loa, đơn giản, hình thức, dẫn đến việc khi xem xét hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề, Bộ phải tiến hành xác minh mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, vi phạm pháp luật nhiều lần, có hệ thống (dù chưa đến mức hình sự) hoặc ý thức chấp hành pháp luật rất kém, bị cách các chức danh tư pháp hoặc thiếu bằng cấp theo quy định nhưng vẫn được địa phương xác nhận “đủ tiêu chuẩn” và gửi về Bộ. Có trường hợp sau khi Bộ thẩm tra, xác minh là không đủ tiêu chuẩn và từ chối cấp phép, bổ nhiệm… đương sự đã khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, thậm chí kiện ra Tòa hành chính.
Bộ Tư pháp dẫn chứng vụ việc ông N.V.R ở Sóc Trăng đã bị Chủ tịch nước cách chức thẩm phán, 5 lần bị xử lý kỷ luật, khai trừ Đảng do ý thức kém, nhưng vẫn được địa phương xác nhận đủ điều kiện (trong đó có đạo đức tốt) cấp chứng chỉ hành nghề luật sư để gửi lên Bộ Tư pháp. Khi không được đáp ứng yêu cầu, ông R khởi kiện ra Tòa hành chính.
Cần nghiên cứu sửa đổi Luật Luật sư
Nói về thực trạng trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong buổi làm việc tại Bộ Tư pháp vừa qua đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn đánh giá công tác quản lý nhà nước về luật sư ở một số địa phương hiện nay còn buông lỏng. Để khắc phục, Thủ tướng yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn để giám sát luật sư, tổ chức hành nghề luật sư giữa Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư nhằm kiểm soát tốt hơn, kịp thời phát hiện những sai sót trong quá trình hoạt động của luật sư.
Nhìn tổng thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Sau một thời gian, nhất là từ khi “mở cửa”, với chính sách của Đảng và Nhà nước, đội ngũ luật sư đã phát triển lớn mạnh và trưởng thành. Về số lượng, trong toàn quốc có trên 12 nghìn luật sư. Qua các phiên tòa xét xử trong nước, cách tiếp cận của luật sư đối với từng vụ việc thì có thể thấy chất lượng luật sư ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, một số công ty luật của Việt Nam đã có những đóng góp, tiếng nói, lập luận sắc sảo cùng với các cơ quan nhà nước khi tham gia một số vụ kiện quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Long cũng chỉ ra hiện tượng một số ít luật sư lợi dụng chính sách của Nhà nước, có người 4-5 lần bị kỷ luật nhưng cứ bắt bẻ câu chữ trong quy định của luật để khiếu nại, kiện tụng trở lại quyết định về mặt hành chính liên quan đến thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư. “Ở nhiều nước, quy định pháp luật về luật sư chỉ là một phần, mà việc tuân thủ quy tắc đạo đức hành nghề luật sư – tức là cái tâm, cái đầu của người luật sư, còn quan trọng hơn, còn cao hơn cả pháp luật. Vi phạm pháp luật đã đành, lại đương nhiên bỏ qua vi phạm về đạo đức – một phạm trù rất thiêng liêng trong hành nghề luật sư để cố tình gây khó khăn. Một số ít luật sư thì bằng hình thức này hình thức khác tụ tập, lôi kéo đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước, làm phức tạp hóa tình hình” – Bộ trưởng Long nêu.
Bộ trưởng Long cam kết Bộ Tư pháp sẽ thực hiện các hình thức xử lý nghiêm, không để ảnh hưởng đến hoạt động ngày càng tốt, trưởng thành của luật sư. Đồng thời, “Tư lệnh ngành” Tư pháp đề xuất được nghiên cứu sửa đổi Luật Luật sư và các quy định pháp luật liên quan để vừa bảo đảm quyền tự quản của luật sư vừa tạo công cụ quản lý nhà nước hiệu quả hơn trong xử lý các trường hợp cụ thể xảy ra đối với những người vi phạm pháp luật, không đáp ứng quy định về đạo đức.
Nguồn: ngheluat.edu.vn