Những vấn đề pháp lý mà Doanh nghiệp trẻ phải cần quan tâm

Rất nhiều Doanh nghiệp trẻ chỉ quan tâm đến những lợi ích mà bỏ qua những vấn đề pháp lý có thể xảy ra ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Doanh nghiệp.

Vấn đề pháp lý đối với doanh nghiệp trẻ

Vấn đề pháp lý đối với doanh nghiệp trẻ

Một Doanh nghiệp mới được thành lập cần phải chú ý đến những vấn đề pháp lý thường gặp dưới đây:

Những giấy tờ pháp lý cần chuẩn bị

Theo như Luật sư tư vấn, khi mới khởi nghiệp, Doanh nghiệp thường để ý tới yếu tố lợi nhuận mà quên mất rằng những vấn đề về pháp lý và hành chính có liên quan đến quá trình hoạt động của Doanh nghiệp. Chỉ khi đối tác, khách hàng có yêu cầu thì Doanh nghiệp mới gấp rút thực hiện, dẫn đến đôi khi bị vuột mất cơ hội làm ăn. Hoặc khi gặp phải các vướng mắc pháp lý làm Doanh nghiệp hao công tốn của và mất đi những cơ hội béo bở thì Doanh nghiệp mới giật mình nhận ra.

Do vậy, việc chuẩn bị các giấy tờ pháp lý cần thiết là vô cùng quan trọng đối với những Doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong kinh doanh, cần chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến ngành nghề, vốn, đáp ứng một hoặc nhiều điều kiện kinh doanh. Đối với một số lĩnh vực kinh doanh, các giấy phép chuyên ngành (giấy phép con) là điều kiện bắt buộc.

Các thỏa thuận trước khi thành lập Doanh nghiệp

Có không ít Doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách thỏa thuận các ý tưởng và điều kiện kinh doanh với nhau mà không thành lập Doanh nghiệp. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng chỉ cần các sáng lập viên góp tiền và công sức để triển khai dự án, khi nào có nhà đầu tư rót vốn thì mới bắt đầu quan tâm đến việc hình thành pháp nhân.

Dưới góc độ pháp lý, các thỏa thuận của các sáng lập viên lúc này là thỏa thuận dân sự và thường sơ sài nên khi xảy ra các xung đột liên quan đến việc góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích… sẽ không có cơ sở để giải quyết.

Việc rõ ràng ngay từ đầu về các điều khoản, phương pháp làm ăn sẽ giúp ích rất nhiều cho các Doanh nghiệp khi xảy ra sự cố

Quyền sở hữu trí tuệ

Các ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ độc đáo và khác biệt sẽ tiếp cận thị trường nhanh chóng và việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ đó cần bắt đầu ngay khi triển khai dự án hoặc ngay sau khi Doanh nghiệp được thành lập.

Tại Việt Nam, các vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái là vấn đề làm các Doanh nghiệp đau đầu. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đảm bảo cho Doanh nghiệp độc quyền sử dụng tài sản của mình mà còn là cơ sở để thực hiện việc khiếu nại, khiếu kiện khi cần thiết.

Các mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại, phát triển chuỗi hay thu hút đầu tư càng phải quan tâm đến vấn đề này. Tùy vào từng loại hình sản phẩm, dịch vụ, doanh nhân khởi nghiệp nên quan tâm đến việc bảo hộ bản quyền tác giả, nhãn hiệu, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích…

Tranh chấp hợp đồng, giao dịch

Khi ký kết hợp đồng, phần lớn các chủ Doanh nghiệp trẻ thường chú ý đến các điều khoản về thương mại (giá, thanh toán và hàng hóa) mà không quan tâm đến các điều khoản pháp lý như các cam kết, quyền và nghĩa vụ của các bên, biện pháp chế tài, phương án xử lý khi có vướng mắc phát sinh…

Vì thế, khi xảy ra tranh chấp, các Doanh nghiệp khởi nghiệp thường bị thiệt hại. Cách tốt nhất là nên nhờ chuyên gia soạn thảo các bản hợp đồng mẫu để sử dụng trong đàm phán, ký kết với đối tác, hoặc trong trường hợp dùng hợp đồng đề xuất từ đối tác cũng nên biết các điểm cần lưu ý.

Lựa chọn sai mô hình công ty

Lựa chọn mô hình công ty là một trong những yếu tố cơ bản để xác lập quy chế vấn đề pháp lý đặc thù đi kèm từng mô hình.

Các startup khi thành lập doanh nghiệp thường hay chọn mô hình công ty cổ phần, vì cho rằng chúng dễ huy động vốn đầu tư khi có cơ hội. Tuy nhiên, mô hình này có nhiều hạn chế so với công ty trách nhiệm hữu hạn. Và theo Alex Katz – Giám đốc tài chính của quỹ đầu tư Venture Capital, các chủ doanh nghiệp nên chọn loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn.

Với hình thức cổ phần, sau 3 năm thành lập, các cổ đông sáng lập được quyền chuyển nhượng cổ phần. Nhưng tại thời điểm đó, công ty chưa thật sự ổn định về kinh doanh và tổ chức, nên nếu có sự thay đổi về những người đứng đầu thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Với mô hình trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp sẽ ổn định và có thể thay đổi loại hình kinh doanh phù hợp khi công ty đã phát triển.

Đóng thuế là trách nhiệm của Doanh nghiệp

Đóng thuế là trách nhiệm của Doanh nghiệp

Tuân thủ quy định về thuế, kế toán

Nghĩa vụ thuế là một kiến thức pháp luật được căn cứ trên ba nguyên tắc: chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn. Trong trường hợp kinh doanh không thành lập Doanh nghiệp thì cần tuân thủ việc nộp thuế thu nhập cá nhân, nếu đơn vị chi trả thu nhập khấu trừ tại nguồn thì cần quyết toán thuế hằng năm.

Khi thành lập Doanh nghiệp, cần chú ý kê khai thuế ban đầu, xem xét việc kê khai và đóng các loại thuế tùy theo hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp. Có ba loại thuế cơ bản là: thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập Doanh nghiệp.

Ngoài ra, liên quan đến hoạt động sản xuất, sản phẩm đặc thù hoặc quy trình kinh doanh của oanh nghiệp còn có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất – nhập khẩu… Việc chậm nộp, trễ hạn, kê khai sai hoặc kê khai thiếu luôn là rắc rối dẫn đến thiệt hại cho Doanh nghiệp nếu không biết cách xử lý hoặc xử lý muộn.

Nguồn: ngheluat.edu.vn

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.