Nghề Luật sư phải luôn tự tin và bản lĩnh trước mọi tình huống

Do đặc thù nghề nghiệp và tính cẩn thận nên bất kỳ vụ việc nào luật sư đều duy trì thói quen tìm hiểu từng chi tiết, góc cạnh của vấn đề.

Chuyện về nghề “thầy cãi”

Luật sư Trương Anh Tú đã có những phút trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề và cho biết đằng sau công việc của nghề “thầy cãi” này vẫn còn nhiều lắm những ưu phiền.

Đành rằng nghề nào cũng có những chuyện vui buồn, nhưng luật sư Tú cho rằng, nghề Luật sư hội tụ tất cả những câu chuyện nhân tình thế thái, những nỗi buồn, góc khuất của cuộc đời, số phận con người.

Người làm trong công tác pháp luật, giống như một cái đáy trong cái bể nước, lưu giữ đầy đủ cả mặt trái lẫn “mặt phải” của xã hội, nơi đó tập trung nhiều sự ngang trái của cuộc đời với mật độ rất dày đặc.

Thế nhưng trước những khó khăn, áp lực và sự gian truân trong công việc, anh chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ buông xuôi mà luôn giữ được sự bình tĩnh và bản lĩnh đối mặt với mọi tình huống.

“Nghề Luật sư là một nghề khó, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Người Luật sư có nhiệm vụ đồng hành với người dân trong việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý.

Để trở thành một người Luật sư thực sự có bản lĩnh thì kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội phải sâu sắc, phải am hiểu tường tận về văn hóa, văn chương, xã hội, lịch sử chứ không chỉ đơn thuần là gói gọn trong những văn bản luật,” Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.

Bên cạnh đó, người ‘thầy cãi’ phải có kiến thức chung về thế giới, phải có sự nhạy cảm của một nhà tâm lý, có góc nhìn của nhà xã hội học, phải có khả năng đối đáp tốt, đặc biệt phải luôn duy trì bản lĩnh bình tĩnh, tự tin trước mọi tình huống.

Hiểu luật, biết luật nhưng quan trọng phải biết truyền tải cho người khác nghe, hiểu và tâm phục, khẩu phục. Theo luật sư Trương Anh Tú, một điều không thể thiếu của người Luật sư đó là kỹ năng biết lắng nghe người khác nói.

Luật sư Trương Anh Tú: "Thầy cãi" phải có sự nhạy cảm của nhà tâm lý.

Luật sư Trương Anh Tú: “Thầy cãi” phải có sự nhạy cảm của nhà tâm lý.

Nghề Luật sư đòi hỏi thực tế và kinh nghiệm, phải đọc và biết suy luận. Phải nghe và quan sát người khác nói gì để từ đó đi sâu vào phản biện một cách thuyết phục từng vấn đề.

“Ngay từ ngày vào nghề tôi đã xác định mọi vụ án đều có lời giải, lời giải đang ở xung quanh chúng ta, chìa khóa mở ra bế tắc đang ở gần chúng ta, vấn đề chúng ta cần kiên trì ‘bới lông, tìm vết’ để tìm ra nó.

Bởi vậy, nếu người Luật sư không có bản lĩnh, không có kiến thức pháp luật sâu rộng thì rất khó tồn tại với với nghề”, Luật sư Tú nói.

Nỗi thiệt thòi của nghề “thầy cãi”

Bạn bè trong giới Luật sư khắp trong Nam ngoài Bắc thường gọi Trương Anh Tú là “Luật sư dị tính” bởi tính tình ngay thẳng, công bằng và cách lập luận vấn đề mới lạ, độc đáo, khác biệt, và sắc sảo.

Trải qua nhiều khó khăn từ lúc mới tham gia cộng tác cho nhiều văn phòng luật, năm 2009 VPLS Trương Anh Tú chính thức được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cấp phép hoạt động. Khi mới thành lập, do vừa ít tuổi đời lại non tuổi nghề, nên khó khăn, thử thách đến với anh từ mọi nơi, mọi lúc, mọi hướng khiến nhiều người thân, bạn bè của anh cảm thấy ái ngại và lo lắng.

Lúc bấy giờ, nhiều người dù đã có thâm niên trong nghề nhưng vẫn cho rằng khó có thể sống được bằng nghề luật sư.

Tuy nhiên, bằng sự nhiệt huyết, sự tận tâm trong công việc và lòng yêu nghề, sự đam mê cháy bỏng, Luật sư Tú và các cộng sự đã từng bước vượt qua. Những đồng nghiệp gắn bó với Luật sư Tú đều là những người đã trưởng thành, gắn bó thân thiết như một gia đình.

Đó cũng là đội ngũ Luật sư có có kinh nghiệm chuyên môn giỏi, kỹ năng và nghiệp vụ tốt giúp giải đáp tất cả những băn khoăn, thắc mắc của người dân về mọi mặt vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật.

Luật sư Trương Anh Tú cũng chia sẻ, anh thường không có thời gian dành cho vợ con và phụng dưỡng cha mẹ bởi thường xuyên phải đi thực tế để tìm hiểu bản chất nguồn cơn của sự việc.

Nhiều khi những vụ việc phức tạp, anh phải đi công tác xa cả tháng không được gặp vợ con trong khi đương sự thì thúc giục.

Rồi việc nọ nối tiếp việc kia kiến cho người Luật sư luôn cảm thấy rất căng thẳng. Từng trực tiếp nhận bào chữa cho hàng trăm vụ án khác nhau, anh cho biết công việc của người Luật sư muôn hình vạn trạng, mỗi vụ án lại có thái cực khác nhau, không vụ nào giống vụ nào.

Trên con đường tìm đến công lý, gặp phải những khó khăn đôi khi lại là sự bất ngờ, như nhiều người vẫn nghĩ chạy trên sa mạc cứ nghĩ mình phải đấu tranh với cái nóng hay bơi qua được sông rồi lại phải nghĩ tới ngay việc chạy qua nước.

“Trước đây, tôi trẻ trung, nhưng giờ thấy mình già rất nhanh,vì tốc độ lão hóa của người Luật sư nhanh hơn những nghề khác do thường xuyên đối mặt với căng thẳng mệt mỏi cùng những buồn phiền vì không dành nhiều thời gian cho vợ con, gia đình”, anh bộc bạch.

Được biết, nhân kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 -10/10/2017), VPLS Trương Anh Tú tổ chức 3 ngày tư vấn pháp luật miễn phí nhằm phổ biến kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người dân.

Điều đó xuất phát từ tình thương, niềm đam mê nghề nghiệp của đội ngũ Luật sư hoạt động trong lĩnh vực pháp luật.

Nguồn: ngheluat.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.