Kỹ năng tranh luận của luật sư theo Nghề Luật đó là khả năng vận dụng kiến thức pháp luật cùng những kiến thức khác tạo nên hoạt động sử dụng ngôn từ pháp lý của luật sư.
Kỹ năng tranh luận của luật sư
Luật sư sẽ sử dụng ngôn từ pháp lý một cách lôgic, linh hoạt đưa ra luận điểm, luận cứ, luận chứng chặt chẽ, phân tích lý lẽ, chứng cứ có căn cứ thuyết phục nhằm tìm ra lẽ phải, chứng minh sự đúng đắn, chân lý thuộc về mình, khẳng định hoặc phủ định vấn đề pháp lý nhất định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
Theo Luật sư tư vấn thì mục đích, yêu cầu của việc tranh luận là luật sư vận dụng kiến thức pháp luật và kiến thức bổ trợ khác nhằm khẳng định hoặc bác bỏ một vấn đề nào đó để đạt mục tiêu mình đưa ra nhằm bào chữa, bảo vệ tốt nhất và hiệu quả nhất cho khách hàng của mình. Trong quá trình tranh luận cần đưa ra các luận cứ, luận chứng, luận điểm, lập luận chứng minh cho quan điểm của mình như các tình tiết ngoại phạm, không có dấu hiệu phạm tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc căn cứ không thuyết phục trong mỗi vụ án mà người có thẩm quyền muốn hướng tới để đạt mục đích của họ.
Kỹ năng tranh luận là một yêu cầu rất cần thiết đối với mỗi luật sư khi hành nghề, đặc biệt là yêu cầu của một luật sư giỏi. Muốn tranh luận tốt, có hiệu quả, luật sư cần lắng nghe, đọc, hỏi, tìm ra các căn cứ để chứng minh cho mục tiêu của mình. Cần sử dụng ngôn ngữ một cách ngắn gọn, dễ hiểu, đi trực tiếp vào vấn đề cần tranh luận. Triệt để sử dụng những mâu thuẫn hoặc những tình tiết trong vụ án mà có lợi cho khách hàng của mình, đặc biệt là tranh luận tại phiên tòa bởi đây là trung tâm của việc tranh luận nhằm đưa đến kết quả quyết định trong mỗi vụ án. Một kỹ năng nữa là cần đặt mình vào vị trí đối phương để tìm hiểu kỹ sự việc nhằm tranh luận có hiệu quả (biết mình, biết ta).
Luật sư phải đưa ra quan điểm rõ ràng của mình, vận dụng học hỏi khả năng tranh luận của những nhà hùng biện. Để có được việc tranh luận tốt luật sư cũng cần có sự tự tin và lòng dũng cảm, bản lĩnh vững vàng; sự chuẩn bị tốt về mọi mặt; việc sắp xếp đưa ra các luận điểm, luận cứ và luận chứng để chứng minh trong tranh luận; một việc nữa là cần thực hành thường xuyên để có cách tranh luận một cách hiệu quả nhất, thêm và bớt những ý tứ và ngôn từ cho phù hợp trong mỗi vụ án mình tham gia giải quyết.
Trong quá trình tranh luận, Luật sư chú ý không dùng ngôn ngữ cay cú, đả kích nhau nhất là đối với đồng nghiệp và các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như những người tham gia tố tụng khác; việc sử dụng ngôn ngữ cũng như câu từ dài, khó hiểu, lặp đi lặp lại hoặc việc tranh luận trực tiếp cố tình kéo dài thời gian gây ức chế cho những người tham gia tố tụng và mục đích không đạt được; thái độ và ngôn ngữ trong khi tranh luận không phù hợp Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Như phần đầu đã đề cập, tranh luận có thể được phân loại là tranh luận trong hoặc ngoài tố tụng. Tranh luận trong tố tụng là suốt các giai đoạn tố tụng theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trọng tâm là tranh luận tại phiên tòa và lấy phiên tòa làm trung tâm theo đúng tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49/ NQ- TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và coi kết quả tranh luận tại phiên tòa là chủ yếu trong việc giải quyết toàn bộ vụ án. Tranh luận ngoài tố tụng là không theo quy định của pháp luật mà các bên cần tranh luận để làm rõ vấn đề liên quan đến nhau, việc tranh luận này có thể trước khi diễn ra vụ án (tiền tố tụng) hoặc sau vụ án (khi có phán quyết của Tòa án). Ngoài ra, có thể phân ra là tranh luận song phương hoặc đa phương; tranh luận theo một trình tự, thủ tục nhất định (hình sự khác dân sự); tranh luận trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính, lao động …
Tranh luận luôn nhằm đạt một mục đích nhất định, trên cơ sở lý luận phải thường xuyên hoàn thiện và soi đường cho thực tiễn, đồng thời từ thực tiễn rút ra bài học làm phong phú thêm cho lý luận ./.