Theo Nghề Luật, Các điểm mới trong BLTTHS 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Điểm đáng chú ý đó là các căn cứ để tạm giam bị can, bị cáo đã được siết chặt hơn.
Sẽ hết lạm dụng tạm giam từ ngày 1-7
BLTTHS hiện hành quy định đối với bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên hai năm thì cơ quan tố tụng có thể tạm giam khi có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Bảy trường hợp áp dụng tạm giam
Theo các chuyên gia, chính quy định nói trên đã dẫn đến tình trạng lạm dụng tạm giam. “Thực tế, có khoảng 80% vụ án cứ khởi tố là bắt tạm giam, kể cả khi đó là các cháu học sinh, sinh viên” – nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho biết.
Để khắc phục, theo TS Nguyễn Thị Thủy (Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học VKSND Tối cao, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo BLTTHS 2015), BLTTHS 2015 đã loại bỏ các yếu tố định tính và quy định rõ các căn cứ tạm giam. Theo đó, việc tạm giam chỉ có thể được áp dụng khi thuộc một trong bảy trường hợp sau: Thứ nhất là đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm. Thứ hai là không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can. Thứ ba là bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn. Thứ tư là tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội. Thứ năm là có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật. Thứ sáu là tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án. Thứ bảy là đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Ngoài ra, BLTTHS 2015 cũng quy định chỉ có thể tạm giam bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng mà BLHS quy định mức phạt tù đến hai năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Cũng theo TS Thủy, song song với việc siết chặt các căn cứ tạm giam trong BLTTHS 2015, BLHS 2015 đã dành một điều (Điều 377) quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật với mức hình phạt từ sáu tháng tù đến 12 năm tù (hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một đến năm năm). Điều 377 BLHS 2015 quy định năm hành vi bị coi là tội phạm, trong đó các cơ quan tố tụng rất dễ rơi vào trường hợp thứ năm là “không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn”.
Tòa có thể xử tội danh nặng hơn VKS truy tố
Theo quy định hiện hành, tòa án chỉ có thể xét xử bị cáo về tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà VKS truy tố. Quá trình tổng kết thi hành BLTTHS 2003, ngành tòa án đề nghị cần phải nới rộng giới hạn xét xử vì Hiến pháp đã quy định tòa xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, bản án ra trên cơ sở kết quả xét hỏi và tranh tụng công khai tại phiên tòa. Trong khi đó, ý kiến của nhiều chuyên gia lại cho rằng nếu vượt ra ngoài giới hạn xét xử sẽ ảnh hưởng đến quyền bào chữa.
Sau nhiều tranh luận, cuối cùng BLTTHS 2015 đã bổ sung thêm quy định: Trong trường hợp cần xét xử về tội danh nặng hơn thì tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại. Nếu VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố ban đầu thì tòa án được xét xử theo tội nặng hơn đó.
Về quy định này, đại diện một số tòa án băn khoăn: Liệu quy định có mâu thuẫn với Điều 280 BLTTHS 2015 (về các trường hợp điều tra bổ sung) hay không? TS Thủy khẳng định “không mâu thuẫn” bởi đây là trả hồ sơ để truy tố lại chứ không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
“Vấn đề chúng tôi lo nhất là nếu trả hồ sơ để truy tố lại thì thời hạn tạm giam lấy đâu ra để tính vì chỉ có thời hạn tạm giam để trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trường hợp này, để không phạm luật, chắc VKS phải rất nhanh chóng nghiên cứu để chuyển hồ sơ sang tòa luôn. Việc này chúng tôi đã có phát biểu tại phiên họp chỉnh lý cuối cùng nhưng không được chấp nhận” – TS Thủy nói.
Cán bộ tố tụng bị tòa triệu tập có tư cách gì?
BLTTHS 2015 quy định tòa có quyền triệu tập điều tra viên và người khác tham gia tố tụng. “Người khác” bao gồm cả những người từng tiến hành tố tụng trong vụ án đó như kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã xét xử sơ thẩm.
Đại diện một số tòa băn khoăn: Những người nói trên tham gia vụ án với tư cách gì, là người tiến hành tố tụng hay người tham gia tố tụng? TS Nguyễn Thị Thủy giải đáp: Không phải trường hợp nào cũng gắn vào hai chủ thể là người tiến hành tố tụng hay người tham gia tố tụng. “Đã triệu tập là họ phải tham gia theo giấy triệu tập của tòa án, ta cũng không trở ngại vấn đề lý luận nữa” – TS Thủy nói.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn bổ sung: Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, những người đã tiến hành tố tụng của vụ án được triệu tập đến tòa để làm rõ hơn những vấn đề của vụ án. “Bị cáo cứ bảo bị mớm cung, ép cung, dùng nhục hình, hội đồng xét xử trước đây cứ hỏi “bị cáo có gì chứng minh không?” thì nay có thể hỏi ngay điều tra viên vấn đề đó như thế nào, đúng hay không đúng để làm rõ vấn đề này ở phiên tòa. Vì vậy không xác định tư cách của họ là người tiến hành tố tụng hay người tham gia tố tụng. Trước đây có nhiều vụ án, các đồng chí rất muốn mời điều tra viên, kiểm sát viên đến phiên tòa nhưng không được vì luật không quy định thì lần này luật đã quy định rồi” – ông Sơn nói.
Nguồn: Baomoi.com