Chia sẻ của 1 luật sư về nghề nhân ngày Luật sư Việt Nam

(ĐSPL) – Dù còn đâu đó những trở ngại, nhưng tôi vẫn tin nghề Luật sư sẽ có một vị trí xứng đáng, và xã hội sẽ hiểu chúng ta hơn. Ngày Luật sư sẽ trở thành một sự kiện đáng nhớ hơn.

Ngày 10/10 đã đến và có vẻ như chưa được nhiều người biết đến. Ngày Luật sư Việt nam được công nhận theo Quyết định 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/10/2013.

Chúng ta, những người Luật sư, và nghề chúng ta, nghề Luật sư đã đi sâu vào tâm trí của những người ngoài nghề chưa?.

Mới đây thôi, trong một phiên tòa, bị cáo Phạm Văn N., nguyên trưởng phòng 1A, VKS tỉnh Sóc Trăng đã phát biểu cảm nghĩ tại tòa án khi được nói lời sau cùng: “Đến khi làm bị cáo, tôi mới thực sự hiểu rõ vai trò quan trọng của luật sư trong xã hội. Các ông đã chia sẻ, động viên, giúp tôi rất lớn về pháp lý. Hồi trước, khi vẫn thường ngồi ở vị trí công tố, tôi đối đầu và không thực sự nhận ra hết vai trò của các vị”.

Vâng, khi phải là một bị cáo, người ta mới cảm nhận sâu sắc được vị trí và vai trò của người Luật sư. Dù tôi không làm Luật sư tranh tụng, nhưng cũng thấy có một chút lâng lâng. Đó là sự công nhận từ một người, mà thường thì vẫn không ưa mấy ông Luật sư cho lắm, nên sự thừa nhận đó càng tôn lên giá trị của sự thật.

Chia sẻ của 1 luật sư về nghề nhân ngày Luật sư Việt Nam

Chia sẻ của 1 luật sư về nghề nhân ngày Luật sư Việt Nam

Xã hội đã có sự nhìn nhận và đánh giá đầy đủ về chúng ta, những người Luật sư chưa? Chúng ta cần phải làm gì để vị trí của người Luật sư thực sự đi sâu vào tâm trí xã hội? Tại sao ở Singapore, Mỹ, Nhật, Luật sư được tôn trọng và đề cao đến thế?.

Anh bạn tôi, một Luật sư tranh tụng đã có hơn 15 năm kinh nghiệm, người vẫn thường cà kê quán bia vỉa hè với tôi sau mỗi chuyến đi Tòa tỉnh xa về. Anh kể, nhiều khách hàng ở tỉnh xa nghèo và tội nghiệp lắm. Muốn nhờ Luật sư vì thấy con em mình bị oan, thấp cổ bé họng lại chẳng biết ăn nói, nhưng cám cảnh thiếu tiền.

Thương lắm, tội nghiệp lắm, nhưng vẫn phải lấy tiền của người ta. Tiền thì có thể kiếm được, chứ đời người khó có cơ kiếm lại khi đã sa lầy. Luật sư phải mất bao nhiêu thời gian để “xin xỏ” đi với cơ quan điều tra thực nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tối về mất ngủ vì cả ngày xem xác chết, đi năn nỉ nhân chứng kể lại sự việc và ký đơn làm chứng, thu thập chứng cứ, gặp gỡ cơ quan tố tụng để sao chụp hồ sơ, trao đổi tình tiết và thậm chí tranh cãi gay gắt để bị kiểm sát viên đuổi ra khỏi cơ quan, bị bên đối tụng thuê xã hội đen đuổi đánh hụt chết…

Tôi lại nghĩ đến công việc của mình, một người Luật sư tư vấn, một người được gọi là Luật sư nhưng chẳng khi mấy khi ra Tòa tranh tụng. Gọi là Luật sư tư vấn, công việc của chúng tôi có hai mảng chính là tư vấn pháp lý và xin cấp phép (licencing), theo hình thức tư vấn thường xuyên và theo sự vụ. Với hình thức tư vấn, Luật sư tiếp nhận câu hỏi của khách hàng, nghiên cứu và phân tích tình huống, định hướng rồi mới lục tìm quy phạm điều chỉnh, đưa ra ý kiến tư vấn, và đề xuất giải pháp gửi cho khách hàng. Áp lực đè lên vai người Luật sư tư vấn khá nặng.

Thứ nhất là chẳng có khách hàng nào trả tiền chỉ để hỏi Luật sư một vài điều luật có sẵn trong văn bản luật, nên Luật sư thường phải ngồi phân tích, lục tìm quy định trong rất nhiều văn bản mà nội dung không rõ, không có quy định cụ thể hoặc có quy định nhưng mâu thuẩn lẫn nhau; thứ hai là khách hàng thường cho Luật sư rất ít thời gian, nên các Luật sư tư vấn thường ngồi cày ở văn phòng đếm 10 giờ đêm là chuyện rất đỗi bình thường.

Chúng tôi có vài khách hàng là doanh nghiệp thuê tư vấn thường xuyên, đều đặn cứ 5h chiều là gửi email hỏi và yêu cầu trả lời trước 8h sáng mai để kịp báo cáo Ban Giám đốc nên Luật sư phụ trách phải làm đêm nhiều hơn làm ngày. Thường thì tư vấn pháp lý và xin cấp phép có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau và đóng vai trò như hai giai đoạn của một tiến trình.

Đa phần khách hàng của Luật sư tư vấn là doanh nghiệp, doanh nhân nên áp lực về tâm lý không hề nhẹ. Là người làm kinh doanh nên hầu hết khách hàng đều giỏi tính toán và trí nhớ tốt. Nhiều khách hàng còn đọc thuộc luật hơn cả Luật sư và đặc biệt là có các mối quan hệ rộng bên ngoài xã hội.

Chúng tôi có cơ hội làm việc khá nhiều với các nhà đầu tư nước ngoài, những người mang chuông đi đánh xứ người nên lúc nào cũng cẩn trọng. Bất kỳ việc gì cũng phải tham khảo ý kiến Luật sư trước, kể cả những ý tưởng kinh doanh mới hình thành trong đầu hoặc kế hoạch hợp tác với đối tác, và yêu cầu soạn thảo hợp đồng, văn bản giao dịch rất chi tiết, cẩn trọng.

Nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng Luật sư với vai trò là người tham mưu, cố vấn nhiều hơn. Doanh nghiệp trong nước nhờ Luật sư với vai trò là người giúp thủ tục nhiều hơn. May mắn là điều này đang dần thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Tôi có một kỷ niệm không quên khi làm việc với một nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam. Đó là khi chúng tôi hỗ trợ họ thành lập một trung tâm đào tạo ngoại ngữ. Theo tư vấn, ra tết âm lịch 3 tuần sẽ nhận được giấy phép hoạt động, nhưng quá 1 tuần vẫn chưa có kết quả. Lý do được giải thích là chuyên viên xử lý hồ sơ đang bận đi lễ chùa đầu năm nên chưa xử lý xong (!!!).

Là người đã ở Việt nam nhiều năm nên nhà đầu tư cũng chỉ lắc đầu và chia sẻ “với chúng tôi, Luật sư nói là phải chắc chắn, lời của Luật sư được tin tưởng hơn lời của cơ quan Nhà nước”. Đáng tiếc nhưng cũng thấy nhiều cơ hội.

Những công việc của Luật sư vẫn ngày ngày âm thầm hỗ trợ khách hàng để tạo ra những giá trị vô hình, và chính vì vô hình nên dù lớn đến đâu cũng khó có thể nhận được sự đánh giá đúng mực. Một kế hoạch kinh doanh sai có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ, một hành động sai có thể đẩy cả một đời người vào nhà giam. Thiếu sự hỗ trợ của Luật sư, một người có thể phải ngồi tù 7 năm thay vì chỉ đáng 3 năm, hoặc thay vì được tại ngoại lại phải ngồi bóc lịch trong nhà đá.

Những điều đó, khó có thể cân đong đo đếm được bằng một vài con số. Nhưng tôi tin tưởng rằng, thời gian sẽ trả lời cho chúng ta, sẽ trả về cho nghề Luật sư một vị trí đúng như nó cần có.

TPP đã đạt được những thỏa thuận cuối cùng, Chính phủ Việt Nam đang thúc roi vào mình để chạy nhanh hơn trong cuộc đua hội nhập. Dù còn đâu đó những trở ngại, nhưng tôi vẫn tin nghề Luật sư sẽ có một vị trí xứng đáng, và xã hội sẽ hiểu chúng ta hơn. Ngày Luật sư sẽ trở thành một sự kiện đáng nhớ hơn.

Nguồn: ngheluat.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.