Nghề luật sư Việt Nam: Cơ hội và thách thức

(ĐSPL) – “Nếu một xã hội mà người ta không dùng luật lệ, luật lệ không quan trọng thì vai trò của luật sư rất thấp. Chúng ta có một thời kỳ dài mà vai trò của luật sư không thấy đâu cả, rất khó đi tìm.” –  Luật sư Lê Cao nhận định.

Nhân kỉ niệm ngày Luật sư Việt Nam 10/10, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng) những câu chuyện về nghề luật sư, những cơ hội nào cho nghề này hiện nay ở Việt Nam, những thách thức gì mà các luật sư đang gặp phải, kỳ vọng gì ở nghề luật sư trong tương lai để hướng đến một nền công lý thực sự ở nước ta.

Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng.

Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng.

Nhân ngày luật sư Việt Nam 10/10, ông có những cảm nghĩ đầu tiên như thế nào về ngày này, và có suy tư gì về nghề mà mình đang theo đuổi không, thưa ông?

Cho đến năm 2013 thì Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm làm ngày truyền thống của luật sư Việt Nam, nhưng như chúng ta đều biết nghề luật sư ở Việt Nam đã tồn tại rất lâu trước đó, từ thế kỷ XVIII, XIX các luật sư đã hành nghề dưới chế độ Pháp thuộc. Chúng ta còn biết luật sư Phan Văn Trường (1876 – 1933) như là người Việt Nam đầu tiên hành nghề luật sư, tuy nhiên lịch sử qua những thời kỳ sau đó, đặc biệt là khi chúng ta bước vào các cuộc chiến tranh thì nghề luật sư hầu như ít được xem trọng và thiếu những đóng góp cho xã hội. Khi chúng ta bước vào thời kỳ đổi mới, luật sư bắt đầu có vai trò trong việc hỗ trợ, tư vấn cho các chủ thể hoạt động kinh tế, khi hệ thống pháp luật Việt Nam bắt đầu có những biến chuyển, người dân được nghi nhận các quyền dân sự thì bắt đầu xuất hiện các nhu cầu hỗ trợ pháp luật trên thực tế, và luật sư đã dần có vai trò hơn trong những năm vừa qua. Giờ người học luật ra trường có thể chọn nghề luật sư để hành nghề được rồi, đó là một cảm nhận đáng mừng.

Như vậy là cơ hội đã mở ra cho nghề luật sư. Vậy theo ông, những biểu hiện nào cho thấy những người học luật có thể theo đuổi nghề này?

Chúng ta biết rằng, giai đoạn từ những năm 2005 đến nay, chúng ta có một hệ thống pháp luật với rất nhiều đổi thay so với trước. Chúng ta buộc phải mở cửa, buộc phải chơi chung sân chơi với những người chơi quốc tế, buộc phải cam kết các nghĩa vụ về mặt pháp lý với đối tác là các quốc gia tham gia các hiệp định đa phương và song phương với chúng ta, do đó luật pháp đã được mở ra, tiệm cận gần hơn với các hệ thống pháp luật tiến bộ. Đó là cơ sở cho việc luật pháp có bóng dáng và vai trò trong đời sống xã hội, và pháp luật không chỉ được làm ra để ràng buộc và thắt chặt các hành vi của giới doanh nhân hay người dân, pháp luật còn những ràng buộc trách nhiệm với các cơ quan nhà nước với các nghĩa vụ và trách nhiệm. Từ đó, pháp luật cần đến sự tuân thủ, đời sống xã hội vận hành theo luật pháp thì các quan hệ phát sinh cần có sự am hiểu luật lệ, luật sư với tư cách hỗ trợ, tư vấn pháp lý dần có đất sống hơn là vì vậy. Nếu một xã hội mà người ta không dùng luật lệ, luật lệ không quan trọng thì vai trò của luật sư rất thấp. Chúng ta có một thời kỳ dài mà vai trò của luật sư không thấy đâu cả, rất khó đi tìm.

Hiện nay, chúng tôi nhận thấy với những người có đam mê thực sự và có niềm tin vào nghề luật thì họ đã sẵn sàng hơn trong việc lựa chọn nghề luật sư để sống. Nhiều doanh nghiệp đã ý thực hơn việc kinh doanh phải thực thi đúng luật lệ để tránh những hệ lụy nghiêm trọng nếu không am hiểu luật pháp gây ra. Trước đây, mới thấy các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, liên quan đến các ông chủ nước ngoài mới quan tâm nhiều đến mảng pháp chế doanh nghiệp, nhưng hiện nay, các doanh nhân người Việt đã có nhận thức đúng đắn hơn, họ không thể làm ăn theo kiểu “cửa trước, cửa sau” truyền thống, giờ họ còn buộc phải tham gia các cuộc chơi theo luật lệ, do đó mảng pháp chế doanh nghiệp đang rất phát triển, là cơ hội lớn cho người hành nghề luật sư tư vấn, luật sư doanh nghiệp.

Hệ thống pháp luật về tố tụng dân sự, hình sự Việt Nam hiện nay cũng dần ghi nhận vai trò của luật sư hơn trước, có sự ghi nhận quyền của các đương sự, bị can, bị cáo được sự hỗ trợ của luật sư trong nhiều trường hợp hơn, do đó khối lượng vụ việc có sự tham gia của luật sư cũng sẽ nhiều lên trong thời gian tới.

Nghề luật sư Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Nghề luật sư Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Ông có thể cho biết, nghề luật có những thách thức gì? Xem chừng vẫn chưa thấy sự phát triển thực sự của nghề luật sư hiện nay ở nước ta?

Cơ sở để nghề luật sư thực sự phát triển theo tôi quan trọng nhất vẫn là từ nhận thức chung của người dân Việt Nam. Vẫn còn rất nhiều người dân cho rằng để quyền lợi của họ được ưu ái thì họ chỉ cần tìm đến những người tiến hành tố tụng nhờ là đủ, luật sư không có vai trò trong nhu cầu thực sự của họ bởi luật sư không có quyền quyết định một phán quyết của Tòa án, không có quyền quyết định một thủ tục hành chính. Đó là đòi hỏi về lợi ích, không phải là ý thức về pháp quyền, không phải là tinh thần về công lý. Bên cạnh đó là một nền tư pháp thực sự độc lập, nói nền tư pháp chúng ta độc lập chưa thì rõ ràng rất khó quá, chưa có sự độc lập thực sự thì chính nền tư pháp sẽ phản chiếu giá trị tham gia vào việc bảo vệ công lý của luật sư. Rồi năng lực, phẩm chất đạo đức của luật sư cũng là một sự thách thức của thời cuộc, không phải ai cũng có thể có đủ năng lực và trình độ để hành nghề, không phải ai cũng đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp từ khách hàng và đòi hỏi của xã hội. Có nhiều người vì không thể phát triển được trong hệ thống cơ quan hành chính mới đi làm luật sư, có người thì vì không xin được việc làm ở các cơ quan công quyền như mong muốn nên mới theo nghề luật sư. Họ không đam mê, không dấn thân, không có tinh thần thì rất khó để mong họ cống hiến. Đó là những thách thức hàng đầu, chúng ta không thể thấy nghề luật sư phát triển ở Triều Tiên, nhưng có thể thấy nghề luật sư phát triển ở Mỹ, Pháp, hay Anh Quốc…

Vậy đâu là những kỳ vọng để ở Việt Nam có thể phát triển nghề luật sư?

Luật sư không chỉ là người đi giải quyết hậu quả của sự sai lầm pháp lý, người dân sẽ dần nhận thức rằng trước khi tham gia vào các quan hệ đời sống xã hội, họ cần được tư vấn để các hành vi, công việc của họ là hợp pháp và phòng tránh được các tranh chấp sau đó. Tư duy của nhiều người dân Việt Nam hiện nay nghĩ đến nghề luật chỉ thấy kiện cáo với xét xử, đó là tư duy chỉ trông thấy hậu quả của các sai lầm pháp lý. Người ta chưa thấy vai trò của luật sư ở những giai đoạn trước đó, vai trò tư vấn để người dân tránh được các hậu quả bất lợi, tránh được tranh chấp. Nhưng, bằng thực tiễn cuộc sống với những va đập liên tục đòi hỏi cách nghĩ đó sẽ thay đổi, người ta sẽ nhận thấy từ trong các hậu quả mà họ phải nhận ở cuộc sống là nguyên nhân nào, và không có gì có thể thay thế thực tiễn để chứng minh những gì mà xã hội cần. Chúng ta đang cố gắng xây dựng một nhà nước pháp quyền, đang cố đưa nền tư pháp thực sự có vị thế độc lập, đang cố gắng bảo vệ các quyền cơ bản của công dân và tạo dựng môi trường pháp lý bình đẳng cho hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế, đó là cơ sở để nghề luật tự thân sẽ phát triển cùng.

Nhiều người hiện nay chọn nghề luật sư cũng đã vì đam mê và tinh thần công lý, không phải ai cũng nghĩ nghề nghiệp chỉ là cách để kiếm sống qua ngày và chỉ là cách chống thất nghiệp. Và xã hội thì cần tin các luật sư dám sống như thế, chúng tôi tin điều đó qua hoạt động thực tiễn nghề nghiệp của mình, chúng tôi đã chứng kiến những sự say mê nghề, đam mê cống hiến và dấn thân vào nghề của nhiều người và đó là nền tảng của kỳ vọng.

Nguồn: ngheluat.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.