Vai trò của Luật sư phản ánh trình độ văn minh của quốc gia nhưng đa phần người dân vẫn cho rằng luật sư là một công việc khá phức tạp.
- Lời hứa trả tiền của “đại gia siêu lừa” khi đứng trước tòa
- Chủ cơ sở nhóm trẻ Mẹ Mười lãnh án 2 năm tù giam vì tội bạo hành trẻ
- Chủ tiệm vàng được trả lại 70 triệu đồng tiền nộp phạt
Ít ai biết rằng, mãi đến năm 2008, các luật sư tại Việt Nam mới có thể “ngồi lại với nhau” để thành lập Liên đoàn luật sư, một tổ chức đại diện cho giới luật sư cả nước. Nhìn vào sự phát triển nghề luật sư ở Việt Nam, thực tế người dân còn tương đối mới lạ đối với nghề nghiệp này.
Nhân kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10, Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội), là người đã từng có những trải nghiệm lâu dài với nghề luật và hiểu sâu sắc về nó.
Những ‘bí mật rất khó nói’ của nghề luật sư
Cơ quan Nhà Nước, người dân chưa thấu hiểu luật sư
Theo ông nghề Luật sư có vị trí như thế nào trong xã hội hiện nay?
Vai trò của Luật sư phản ánh trình độ văn minh và phát triển của quốc gia. Và trong những năm vừa qua, xã hội Việt Nam ghi nhận thực tế số lượng Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư, các dịch vụ của Luật sư tăng đột biến.
Như thế là rất tích cực, là minh chứng cho thấy sự phát triển của nghề Luật sư cũng đã góp phần khiến người dân có nhận thức và thói quen mới trong các ứng xử liên quan đến pháp luật. Tỷ lệ người dân có thói quen tích cực, sống và làm việc theo pháp luật ngày càng cao, và ngày càng có nhiều người tìm đến Luật sư để sử dụng các dịch vụ trợ giúp pháp lý, để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng.
Điều đó cũng mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho nghề Luật sư, trong bối cảnh kinh tế xã hội đất nước ngày càng phát triển, sự hội nhập với quốc tế ngày càng mạnh mẽ sâu rộng. Tuy nhiên quá trình hoạt động nghề, Luật sư cũng đang vấp phải khá nhiều “rào cản” cũng như những khó khăn đến từ nhiều hướng.
Gần tới ngày kỷ niệm của giới luật sư Việt Nam (10/10), song, liên tiếp có những thông tin không vui, ví dụ việc luật sư Trần Thu Nam (đoàn luật sư Hà Nội) tố cáo chuyện anh bị hành hung ngay tại tòa án Trực Ninh (Nam Định). Là người hành nghề luật nhiều năm và trải qua nhiều phiên tòa ở khắp các tỉnh thành, ông có ý kiến như thế nào?
Theo tôi, đó bắt nguồn từ sự chưa hiểu nhau giữa các bên. Không những người dân không đánh giá chính xác vai trò của luật sư mà các cơ quan Nhà Nước cũng chưa hiểu về luật sư.
Dường như ai bước chân vào nghề luật cũng đều đã gặp phải sự khó khăn khi tham gia tố tụng, nhẹ thì bị xua đuổi – như trường hợp của luật sư Nguyễn Hồng Bách bị bảo vệ của ĐH Công Nghiệp Hà Nội “mời” ra khỏi trường vào năm 2010, nặng thì bị tấn công trực diện. Còn chuyện chây ỳ, kéo dài trong công tác cấp giấy chứng nhận bào chữa, hay gây cản trở khó khăn là việc thường xuyên xảy ra.
Nhưng không thể phủ nhận một bộ phận luật sư, ở một hoàn cảnh nào đó, đã không giữ đúng tác phong, gây ra những phản ứng xấu. Ông đánh giá thế nào về bản thân giới luật sư ở Việt Nam?
Phải khách quan mà nói rằng, chất lượng luật sư Việt Nam hiện nay chưa được hoàn chỉnh, cần phải nỗ lực rất nhiều thì mới đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Do các thế hệ luật sư xuất phát từ những môi trường đào tạo khác nhau như lớp luật sư tiêu biểu xuất sắc (ví như luật sư nổi danh Phan Văn Trường…) đào tạo tại Pháp; một làn sóng luật sư khác là các cử nhân học ở trường ĐH Luật Đông Dương: Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Thọ… đã quá vãng, thế hệ tiếp nữa là những người (Nam Việt Nam) học luật ở các nước Anh, Mỹ nhưng nay hầu hết không còn hoạt động và sau này là làn sóng những người được đào tạo ở khối các nước Đông Âu. Những thế hệ khác biệt này đã tạo ra những luồng tư tưởng, trường phái luật pháp không thống nhất, manh mún. Các quan điểm, hệ thống pháp luật vì thế thiếu tính xuyên suốt.
Nghề LS vì thế quá thiệt thòi bởi trải qua quá trình “ngủ đông” dài, dẫn đến tình trạng thiếu hụt về số lượng và yếu về chất lượng. Chính vì vậy, giới luật sư cần phải hoàn thiện và hoàn thiện hơn nữa về kỹ năng.
Những bí mật khó nói của nghề luật sư
Đối với nhận thức của đa phần người dân, công việc của luật sư khá phức tạp, không dễ nói cho rõ ràng. Ông có thể giải thích thêm?
Hầu hết mọi người cho rằng làm nghề luật sư chỉ để tham gia tranh tụng tại các phiên tòa cho các thân chủ của mình. Song, đó chỉ là 10%, còn 90% khối lượng công việc của một vụ án là ở ngoài tòa. Luật sư còn phải nỗ lực để làm sao tạo ra dư luận cho các vụ việc phức tạp trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay tìm kiếm chứng cứ, truy xét manh mối như những điều tra viên thực thụ…
Nhân ý ông vừa chia sẻ, tôi muốn nói đến một thực tế khá đáng buồn: Có một bộ phận luật sư đang tham gia vào quá trình tố tụng theo cách “đi đêm”, có nghĩa là họ thỏa hiệp với Tòa án hay Viện kiểm sát để giành lấy quyết định có lợi. Hiện tượng ấy liệu có trở thành xu thế chung của giới luật sư?
Việc này cũng có thể có, xã hội đã lưu tâm đến chuyện đó. Nhưng, với những luật sư “thỏa hiệp”, tôi cho rằng họ không học hành bài bản, quá lợi dụng các mối quan hệ trong hoạt động tố tụng. Trong một chiến lược dài hạn, tất cả những người này sẽ bị đào thải khỏi môi trường pháp lý. Bởi vì, đối với người luật sư, “cái ô” lớn nhất, khổng lồ và vĩnh cửu chính là trí tuệ và bản lĩnh.
Vậy nhìn tổng thể, ông đánh giá như thế nào về tương lai của nghề luật sư tại Việt Nam?
Nghề luật sư ở Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển. Tuy nhiên, trong hiện tại và trong tương lai gần, nếu chúng ta vẫn cứ “ổn định” với mô hình xét xử thẩm vấn như hiện nay thì vai trò của luật sư trong phiên tòa vẫn còn là dấu chấm hỏi. Tôi hy vọng rằng, các nhà chức trách sẽ sớm nhận ra và hành động thiết thực, cấp bách với ý nghĩ rằng sự phát triển của nghề luật sư cũng sẽ góp phần không nhỏ để nâng tầm xã hội thượng tôn pháp luật ở Việt Nam.
Nguồn: ngheluat.edu.vn