Hoàn thiện pháp luật là nhu cầu tự thân của luật sư

Luật sư là một trong những nhân tố quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật – nền tảng của nhà nước pháp quyền.

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài đã trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về nội dung này.

“Pháp luật là công cụ sắc bén, cơ sở hình thành luận lý như một vũ khí duy nhất, đồng thời là đích đến của toàn bộ quá trình thao tác kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ luật sư (LS)” – LS Phan Trung Hoài khẳng định.

Pháp lý, đạo đức và bổn phận của công dân

Phóng viên: Thưa ông, có lẽ điểm nhấn đối với giới LS năm qua là khoản 3 Điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 được tranh luận sôi nổi tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Ông đánh giá ra sao về sự kiện này?

+ TS-LS Phan Trung Hoài: Có thể coi đó là điểm nhấn trong các sự kiện liên quan đến giới LS năm qua. Kể cả sau thời điểm Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 thì vẫn còn dư âm của những quan điểm tranh luận đa chiều.

Khoản 3 Điều 19 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 quy định: “Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa”.

Từ trước tới nay, nhiều LS và cá nhân tôi đã nhiều lần thể hiện quan điểm thông qua những công trình nghiên cứu, bài viết đề cập đến vấn đề miễn trừ trách nhiệm dân sự, hình sự về những rủi ro về pháp lý đối với LS trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý. Thật sự Liên đoàn LS và cá nhân tôi chưa bao giờ khởi xướng xây dựng quy định như khoản 3 Điều 19 hiện nay. May mắn là một số LS đã cập nhật, chỉ ra được nội dung khởi thủy trong tám lần dự thảo của Điều 19 ban đầu. Nội dung tám lần đó đều miễn trừ trách nhiệm của LS khi không buộc phải tố giác hành vi “đã, đang hoặc sẽ xảy ra” đối với thân chủ của mình.

Liệu quy định mới có gây ra hệ lụy với giới LS sau này, thưa ông?

+ Giới LS và dư luận xã hội đã hiểu rõ quan điểm, thái độ và tinh thần của Liên đoàn LS Việt Nam thông qua ý kiến phát biểu trên nghị trường của ba vị đại biểu Quốc hội là LS, cũng như trên nhiều diễn đàn khác nhau.

Có thể nói vấn đề trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng là một nghĩa vụ pháp lý và đạo đức của LS nhưng theo pháp luật về LS ở nhiều nước trên thế giới hay trong nước, nghĩa vụ này không phải là nghĩa vụ tuyệt đối bởi LS cũng phải thực hiện bổn phận của một công dân.

LS hành nghề dựa trên cơ sở pháp luật nên khi quy định mới đã được ban hành, tôi nghĩ mỗi LS cần phải tuân thủ nghiêm túc. Vấn đề là làm sao vừa có sự hiểu biết sâu sắc về trách nhiệm pháp lý của LS, vừa có kỹ năng vận dụng vào thực tế, lựa chọn được giải pháp đúng đắn trong từng hoàn cảnh cụ thể để giải quyết bài toán giữa trách nhiệm tố giác tội phạm và bổn phận đạo đức của nghề LS.

Luật sư Phan Trung Hoài tranh tụng trong một phiên tòa hình sự

Luật sư Phan Trung Hoài tranh tụng trong một phiên tòa hình sự

Thúc đẩy cải cách tư pháp mạnh mẽ

Dù sao đi nữa sự kiện này cho thấy vai trò của LS và tầm quan trọng của những ý kiến thực tiễn mà giới LS đưa ra trong quá trình xây dựng pháp luật. Theo ông, vai trò này của LS từ trước tới nay đã có bước tiến như thế nào?

+ Nếu tính từ thời điểm Pháp lệnh về tổ chức LS 1987 được ban hành, 30 năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ LS Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, từ chỉ trên 100 LS ở Hà Nội và TP.HCM thì đến nay đã có 11.607 LS chính thức và hơn 4.000 người tập sự hành nghề LS trong cả nước.

Vai trò của LS trong đời sống và trong tố tụng đã ngày càng được khẳng định, mỗi sự kiện xảy ra trong đời sống, người dân, các chủ thể xã hội, cơ quan truyền thông, mạng xã hội đều tìm kiếm ý kiến đánh giá và trợ giúp về mặt vấn đề pháp lý của LS.

Nhận định trên của ông được thể hiện thế nào trong đời sống xã hội, thưa ông?

+ Mấy năm qua, nhiều đại án trong lĩnh vực ngân hàng và trật tự quản lý kinh tế được đưa ra xét xử. Điều đáng mừng nhất là nhiều phiên tòa đã được HĐXX điều hành một cách dân chủ, thể hiện tinh thần cải cách tư pháp mạnh mẽ. Nhiều phán quyết, quyết định đã xuất phát từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Không gian văn hóa pháp đình được mở ra một cách thông thoáng, các cơ quan báo chí, truyền thông đã trở thành đường dẫn đưa ý kiến tranh luận của các LS đến với công chúng, góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan và bản chất của vụ án.

Chính những phản biện đúng đắn của giới LS trở thành cơ sở cho nhiều HĐXX tiếp tục kiến nghị, yêu cầu điều tra làm rõ, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến việc khắc phục nguyên nhân, bối cảnh xảy ra tội phạm và trách nhiệm quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.

Đóng góp vào quá trình hoàn thiện pháp luật

. Trong quá trình xây dựng pháp luật những năm gần đây, Liên đoàn LS nói riêng và giới LS được tham khảo ý kiến rất nhiều…

+ Phải rất trọng thị để nói rằng các cơ quan có thẩm quyền trong nhiệm vụ xây dựng pháp luật đều hết sức quan tâm, yêu cầu Liên đoàn LS Việt Nam nâng cao vai trò, trách nhiệm và tham gia ngày càng sâu hơn vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Liên đoàn LS Việt Nam đã thật sự có vai trò quan trọng và đóng góp có hiệu quả trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 2013, Luật LS 2012, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật Tạm giữ, tạm giam 2015, BLHS 2015…, đặc biệt là xây dựng được một chương mới về bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong BLTTHS 2015.

Theo ông, việc giới LS tham gia vào công tác xây dựng pháp luật có những tác động nào đối với hoạt động nghề nghiệp, vị thế của LS trong xã hội?

+ Tôi nghĩ việc tham gia xây dựng pháp luật của giới LS không chỉ góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nền tảng cho các chủ thể xã hội vận hành mà còn là nhu cầu tự thân của đội ngũ LS. Hơn ai hết, đến lượt mình, bằng kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức được trui rèn qua thực tiễn tư pháp sôi động, đội ngũ LS chính là người được thụ hưởng nhiều nhất khi pháp luật ngày càng được hoàn thiện.

Nguồn: ngheluat.edu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.