Ai là người bồi thường cho người dân nếu chung cư cháy?

Mong luật sư tư vấn: Khi chung cư chẳng may bốc cháy thì ai là người sẽ phải bồi thường thiệt hại cho những tổn thất của người dân?

Tùy từng trường hợp, những người có trách nhiệm bồi thường lại khác nhau. Ảnh minh họa.

Tùy từng trường hợp, những người có trách nhiệm bồi thường lại khác nhau. Ảnh minh họa.

Để có thể xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi một chung cư bị cháy, trước hết phải xét xem ai là người có lỗi gây ra thiệt hại như vậy. Đó có thể là lỗi của chủ đầu tư, lỗi của người dân sinh sống tại khu chung cư đó hoặc lỗi của một chủ thể thứ 3 nào khác, lỗi do vô ý hay lỗi cố ý. Tùy từng trường hợp, những người có trách nhiệm bồi thường lại khác nhau.

Trường hợp 1: Lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư

Đối với trường hợp lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, khi đó chủ đầu tư sẽ phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về mặt tài sản và những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng nếu nạn nhân yêu cầu.

Tuy nhiên, những trường hợp nào thiệt hại gây ra là do lỗi của chủ đầu tư vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Một số trường hợp như chung cư bị cháy do chập điện, do chung cư thiết kế không hợp lý gây rò khí,… thì có thể xác định lỗi là do chủ đầu tư. Lỗi của chủ đầu tư được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó những khía cạnh chủ yếu có thể kể đến như: thi công, lắp đặt các thiết bị của chung cư không đúng quy trình; sử dụng các trang thiết bị nói chung và các thiết bị phòng cháy chữa cháy nói riêng không đúng tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn; thực hiện thi công xây dựng chung cư không theo bản thiết kế, không đảm bảo những lối thoát hiểm khi cần thiết; hệ thống báo cháy và chữa cháy không theo quy định của pháp luật, không đủ khả năng phòng cháy, chữa cháy,…

Trường hợp này chủ đầu tư là bên có lỗi, theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, bên nào có lỗi dù là vô ý hay cố ý thì đều phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về tài sản quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Người bồi thường thiệt hại thực hiện đúng nguyên tắc tại điều 585 Bộ luật dân sự 2015. Ảnh minh họa.

Người bồi thường thiệt hại thực hiện đúng nguyên tắc tại điều 585 Bộ luật dân sự 2015. Ảnh minh họa.

Trường hợp 2: Lỗi của cư dân sống tại chung cư hay của người ngoài

Đối với trường hợp thiệt hại gây ra là lỗi của cư dân sống tại chung cư hay của người ngoài, nghĩa là họ đã có nhưng tác động dù vô ý hay cố ý gây nên các vụ cháy ở chung cư như xe của họ bị nổ, bếp ga bị nổ, hút thuốc lá,… Khi đó, lỗi ở đây thuộc về cả người có tác động đó và chủ đầu tư.

Đối với người đó là lỗi khi đã khởi nguồn đám cháy, còn đối với chủ đầu tư là lỗi khi đã không đảm bảo các biện pháp thông báo cũng như chữa cháy, nếu chủ đầu tư đảm bảo được các biện pháp này thì hậu quả đã không lớn đến vậy. Khi đó, lỗi của người gây cháy có thể là lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý. Đối với trường hợp lỗi vô ý, người này có thể được giảm mức bồi thường theo quy định tại Khoản 2 điều 585 Bố luật dân sự 2015.

Theo Luật sư tư vấn Nghề luật – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, trong tất cả các trường hợp trên, những người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đều phải thực hiện bồi thường theo đúng nguyên tắc được đưa ra tại điều 585 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Dù quy định về bồi thường thiệt hại rất rõ ràng, tuy nhiên trên thực tế để đòi được tiền bồi thường này cần một khoảng thời gian rất dài và vô cùng khó khăn. Vì vậy người dân sống trong khu chung cư, người dân nói chung, chủ đầu tư cần nâng cao hơn nữa tinh thần phòng cháy chữa cháy (PCCC); trang bị cho mình kiến thức về PCCC;…

Nguồn: ngheluat.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.