Quy định mới nhất về quản lý giá thuốc theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP

Nhiều biện pháp được đưa ra nhằm quản lý giá thuốc bao gồm: kê khai, kê khai lại giá thuốc; niêm yết giá thuốc; đấu thầu mua thuốc, đàm phán giá thuốc và các biện pháp bình ổn giá thuốc.

Quy định mới nhất về quản lý giá thuốc theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP
Quy định mới nhất về quản lý giá thuốc theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2017/NĐ-CP, ngày 08/05/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược. Trong đó bao gồm các biện pháp quản lý giá thuốc tại Chương VIII. Thông tin sẽ được Luật sư tư vấn cụ thể như sau:

Thực hiện kê khai và bán theo giá niêm yết

Nghị định 54 nêu rõ, cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc và các quy định khác về quản lý giá thuốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá kê khai, kê khai lại và tính chính xác của các số liệu, tài liệu báo cáo, thông tin do cơ sở cung cấp.

Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố.

Cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế do chính cơ sở sản xuất hoặc cơ sở đặt gia công, cơ sở nhập khẩu thuốc đó đã kê khai, kê khai lại.

Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có văn bản thông báo cho cơ sở kinh doanh dược kiến nghị xem xét lại mức giá của mặt hàng thuốc do cơ sở đã kê khai, kê khai lại được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ sở phải có văn bản phản hồi kèm theo các tài liệu liên quan để thuyết minh về tính hợp lý của mức giá kê khai hoặc điều chỉnh giá kê khai, kê khai lại về mức hợp lý.

Sau thời hạn trên, cơ sở không có văn bản phản hồi thì mức giá kê khai, kê khai lại đã công bố không còn giá trị và sẽ bị rút khỏi Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai
Cơ sở kinh doanh dược không được bán thuốc khi chưa có giá kê khai

Nghị định cũng yêu cầu các cơ sở bán buôn thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán buôn từng loại thuốc tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở bán buôn thuốc. Theo đó, các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc. Cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc không được bán cao hơn giá do cơ sở đã niêm yết.

Lợi nhuận của cơ sở bán lẻ thuốc không được quá 15%

Về thặng số bán lẻ của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định quy định:

Giá bán lẻ = Giá mua vào + Mức thặng số bán lẻ (%) × Giá mua vào.

Mức thặng số bán lẻ của các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa như sau:

  • Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%.
  • Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%;
  • Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%;
  • Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 đồng đến 5.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%;
  • Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%;

Đây là những thông tin đặc biệt quan trọng đối với những bạn trẻ đang học Đại học – Cao đẳng Dược hay đã trở thành những Dược sĩ và mong muốn được kinh doanh bán lẻ. Việc hiểu rõ các quy định sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối không đáng có.

Nguồn: ngheluat.edu.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.