9 người chết và góc khuất bên trong tấm áo Blouse trắng

9 người đã thiệt mạng khi chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Họ chết oan trong vòng tròn trách nhiệm luẩn quẩn bên trong chiếc áo Blouse trắng.

Bị cáo Trương Quý Dương 

Bị cáo Trương Quý Dương 

Theo tin tức pháp luật, sáng 29/5/2017, xảy ra sự cố y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 9 bệnh nhân thiệt mạng. Đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng được cả xã hội quan tâm, tạo ra sự đau đớn, mất mát vô cùng lớn không chỉ cho gia đình bệnh nhân mà cả Ngành Y tế.

Cơ quan điều tra đã vào cuộc, các đối tượng bị tình nghi là lãnh đạo bệnh viện, y bác sỹ, lãnh đạo các Cty cung cấp thiết bị y tế cho việc chạy thận…(trực tiếp hoặc gián tiếp) gây ra 9 cái chết oan uổng đã bị khởi tố hình sự và hiện đang được tòa án tiến hành xét xử để làm rõ hành vi phạm tội.

Đã qua 9 ngày xét xử sơ thẩm, điểm nổi bật là các bị cáo trước “vành móng ngựa” chả ai nhận trách nhiệm trực tiếp gây ra cái chết của 9 bệnh nhân; Cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới và ngược lại; Giới luật sư cũng nại ra đủ lý do để bảo vệ cho thân chủ thoát khỏi vòng lao lý; Hội đồng xét xử cũng lúng túng trước chằng chịt những đặc thù của Ngành y…

Xin chưa bàn đến chi tiết cụ thể của vụ án này. Cần nhìn nhận thực tế, Bộ Y tế đã ban hành quy trìnhchạy thận theo chuẩn y tế thế giới, mỗi năm có hàng triệu người chạy thận an toàn. 10 năm nay Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vận hành bình thường, giờ không bình thường, chắc chắn phải có sự thiếu trách nhiệm hoặc vô ý hoặc cẩu thả ở một khâu nào đó dẫn đến hàng loạt người tử vong như vậy.

Tại buổi làm việc với Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Y tế đã nêu nghi vấn với các đồng nghiệp, nếu làm đúng quy trình thì đã không thể xảy ra sự cố!

Điều đáng suy nghĩ bây giờ là tại sao hàng loạt bệnh nhân chết oan uổng như thế mà chưa thấy ai nhận trách nhiệm cụ thể khi đứng trước “vành móng ngựa”, cứ đổ vấy trách nhiệm cho nhau?Thân nhân của những người xấu số trong vụ án này vừa đau lòng trước những gì họ đã mất, lại vừa hoang mang về những gì còn đang lẩn khuất phía trong những tấm áo Blouse trắng.

Nói một cách hình ảnh, trong nghề nghiệp có những việc không cần cơ quan chức năng vào cuộc, cái “cơ thể sống” bên trong tấm áo Blouse trắng đều biết cả. Mỗi người đều biết rõ lỗi của mình đến đến đâu, ở khâu nào.Đã đến lúc cần phải nhìn thẳng vào sự thật, trung thực, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

9 người chết và góc khuất bên trong tấm áo Blouse trắng

9 người chết và góc khuất bên trong tấm áo Blouse trắng

Sự cố y khoa là điều không ai mong muốn. Y bác sỹ, điều dưỡng viên, người chăm sóc bệnh nhân không bao giờ mong muốn sự cố xảy ra. Ở các nước phát triển, tai biến y khoa cũng luôn rình rập. Sự cố này là đặc biệt nghiêm trọng, dù không mong muốn, nhưng khi đã xảy ra sự cố thì cần phải tìm nguyên nhân để khắc phục, cần phải có người chịu trách nhiệm. Nghĩa là, những người khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng, kỹ thuật viên và bên cung cấp dịch vụ, thiết bị y tế dù không muốn, nhưng cũng phải có trách nhiệm với sự cố xảy ra ngoài ngoài ý muốn (dù ít, dù nhiều). Đó mới là nền tảng của “Y đức”.

Không ai nhận thấy trách nhiệm của chính mình trong vụ việc 9 người chết do chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sẽ là lời cảnh báo cho sự xuống cấp của “Y đức” nói riêng và đạo đức nghề nghiệp nói chung. Và hơn thế, càng làm tăng thêm sự hoài nghi về xã hội hóa công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và cung cấp dịch vụ, thiết bị vật tư y tế.

Áo Blouse trắng tinh khôi tượng trưng cho sự thanh tao, trang trọng, tinh khiết, không tỳ vết của những người mang nặng sứ mệnh và trọng trách cao cả: Chữa bệnh cứu người. Và vì thế, xin nói thêm rằng, nếu trung thực, nói thẳng, nói thật, nói hết, biết soi xét trách nhiệm bản thân thì bản án của tòa án sẽ là tiếng nói xuất phát từ “Y đức” (tình tiết giảm nhẹ) bên trong tấm áo Blouse. Nếu cầu thị thì dư luận, người nhà bệnh nhân, cơ quan ban ngành, cơ quan chức năng cũng thấy được tính cầu thị, sự trung thực, trách nhiệm với ngành, với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và với chính chuyên môn của y bác sỹ bên trong tấm áo Blouse trắng đó. Bằng không, cứ đổ vấy trách nhiệm cho nhau, với đà này sẽ vẫn còn tiềm ẩn những phiên tòa bên trong tấm áo Blouse trắng mà cả xã hội lên án.

Góc khuất trong tấm áo Blouse trắng chính là “trách nhiệm”. Và xin nhắc lại rằng: “Trách nhiệm” – là dù không muốn, nhưng cần phải có “trách nhiệm”với sự việc xảy ra ngoài ý muốn.

Nguồn: ngheluat.edu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.